Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Cựu Phó Chủ tịch FIFA bị cấm tham gia hoạt động bóng đá suốt đời

Phòng Thẩm định-Phân xử thuộc Ủy ban Đạo đức của FIFA cho biết cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner đã bị cấm tham gia tất cả các hoạt động liên quan tới bóng đá suốt đời.

Cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner. (Nguồn: Reuters)

AFP đưa tin, ngày 29/9, Phòng Thẩm định-Phân xử thuộc Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cho biết cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner đã bị cấm tham gia tất cả các hoạt động liên quan tới bóng đá suốt đời.

Theo đó, vị cựu phó chủ tịch FIFA này "đã bị phát hiện có nhiều hành vi sai trái một cách liên tục và lặp lại trong khoảng thời gian ông này đảm nhận các chức vụ cấp cao, có ảnh hưởng tại FIFA và Liên đoàn Bóng đá Bắc-Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF)."

Lệnh cấm đối với ông Warner, 72 tuổi, bao gồm toàn bộ hoạt động bóng đá tại cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế, và có hiệu lực từ ngày 25/9.

Hiện ông Warner cũng đang đứng trước nguy cơ bị dẫn độ từ Trinidad và Tobago tới Mỹ - nơi ông phải đối mặt với 12 tội danh như chuyển tiền gian lận, kiếm tiền phi pháp và rửa tiền liên quan tới vụ bê bối tham nhũng hiện nay của FIFA./.

.

EU sẵn sàng biện pháp trừng phạt 4 trợ lý của Tổng thống Burundi

EU sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt 4 trợ lý của Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza sau khi ông này tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.

Các trợ lý của ông Pierre Nkurunziza bị trừng phạt. (Nguồn: AP)

Theo AFP, ngày 29/9, các nguồn tin ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt 4 trợ lý của Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza sau khi ông này tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.

Nguồn tin cho hay EU đã nhất trí trên nguyên tắc về việc trừng phạt 4 đối tượng trên bằng các lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại, theo đó quyết định chính thức về lệnh trừng phạt trên sẽ được công bố vào ngày 1/10 tới.

Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Nkurunziza lại không phải là mục tiêu trừng phạt “do châu Âu muốn cho ông này một cơ hội đối thoại.”

Ông Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 và đã tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử gây tranh cãi này hồi tháng 7 vừa qua, song phe đối lập lại tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử này và cho là vi hiến.

Việc ông Nkurunziza tái đắc cử đã châm ngòi cho một cuộc đảo chính bất thành của các tướng nổi dậy và khiến quốc gia Trung Phi nhỏ bé và nghèo khó này rơi vào tình trạng bất ổn nhiều tháng qua./.

.

5 ngày đấu trí căng thẳng với kẻ giết người hàng loạt

Sau khi bắt giữ Kiều Quốc Huy và thu nhiều vũ khí, CA tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố Huy về hành vi giết người, cướp tài sản. Liên quan đến vụ án kinh hoàng xảy ra do Kiều Quốc Huy (1988, quê tổ 9, TT Lộc Thắng, H. Bảo Lâm, Lâm Đồng, tạm trú 40-Tuệ Tĩnh, P. Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) sát hại 3 người để cướp tài sản, Báo Công an TP Đà Nẵng thông tin thêm để bạn đọc thấy được âm mưu tàn độc của kẻ giết người cũng như sự đấu trí căng thẳng của lực lượng điều tra.

Với nhận định nhiều khả năng đối tượng Huy có liên quan đến các vụ án trên địa bàn hiện chưa làm rõ, CA tỉnh Lâm Đồng đã xác lập Chuyên án GHL2015 và thành lập tổ án đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc CA tỉnh.

Các TS, ĐTV thuộc tổ án đặc biệt đã tiến hành thu thập chứng cứ, mở rộng điều tra. Đến ngày 22-9-2015, khi có được những chứng cứ chứng minh Huy liên quan trực tiếp đến một vụ án khác, Ban Chuyên án quyết định đấu tranh trực diện với Huy. Cuộc đấu trí căng thẳng, với sự lì lợm, quanh co chối tội và kéo dài 5 ngày nhưng trước nhiều chứng cứ buộc tội, đến 23 giờ ngày 26-9, Kiều Quốc Huy bắt đầu khai nhận. Buổi hỏi cung xuyên đêm, đến 2 giờ ngày 27-9 thì toàn bộ sự thật vụ án đã được rõ.

Kẻ giết người được dẫn tới hiện trường.

Kẻ sát nhân khai nhận, y quen biết vợ chồng anh Đỗ Hoàng Bình, chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (1984, trú tổ 15, TT Lộc Thắng, H. Bảo Lâm) từ năm 2010. Do biết vợ chồng anh Bình có nhiều đất nên Huy nảy sinh âm mưu sát hại để chiếm đoạt. Tháng 12-2011, Huy đặt cọc 50 triệu đồng để sang nhượng 5 lô đất của vợ chồng anh Bình. Ngày 16-1-2012, Huy và vợ chồng anh Bình ra UBND TT Lộc Thắng chứng thực giấy tờ sang nhượng 5 lô đất giữa Huy và vợ chồng anh Bình với giá 2,7 tỷ đồng.

8 giờ ngày 4-3-2012, anh Bình điện thoại nhờ Huy tới nhà chặt tre, nứa. Tại nhà anh Bình, Huy làm việc kéo dài đến 19 giờ cùng ngày mới hoàn tất rồi ở lại ăn tối cùng vợ chồng anh Bình. Tối hôm đó anh Bình nhờ Huy ôm đống tre, nứa từ sân trước ra vườn sau. Lúc này, Huy đã cầm theo cây rựa dài khoảng 50cm, lợi dụng lúc anh Bình đang vác bó tre, nứa, từ phía sau y dùng cây rựa chém 1 nhát vào đầu khiến anh Bình gục chết tại chỗ. Sát hại xong người bạn thân, Huy dùng bạt phủ lên. Nghe động, chị Hạnh chạy ra liền bị Huy dùng rựa chém 1 nhát vào trán. Chị Hạnh bỏ chạy, Huy đuổi theo và chém 1 nhát nữa vào gáy làm chị chết tại chỗ.

Để xóa dấu vết, kẻ sát nhân kéo xác 2 nạn nhân bỏ xuống giếng. Thấy con chó nhà anh Bình sủa inh ỏi, Huy liền chém chết con chó rồi vứt luôn xuống giếng. Kẻ giết người man rợ liền cào đất xuống giếng, ném đá, lấy bạt hái cà-phê phủ lên miệng giếng rồi lấy trục cuốn dây điện bằng gỗ (đường kính hơn 1m) bịt miệng giếng lại. Huy vào nhà lục lấy 4 cuốn sổ đỏ của 5 lô đất, điện thoại của nạn nhân rồi khóa cửa đi về phòng trọ của mình ở Bảo Lộc.

Để hoàn tất việc chiếm đoạt, Huy đã viết 2 giấy nhận tiền, giả chữ ký của chị Hạnh thể hiện chị Hạnh đã nhận đủ 2,7 tỷ đồng tiền bán đất rồi nộp toàn bộ hồ sơ đến Phòng TN-MT H. Bảo Lâm làm thủ tục sang nhượng 5 lô đất sang tên Huy. Ngay sau đó Huy đã bán 2 lô đất được 260 triệu đồng và đã nhận đặt cọc 1 lô đất với số tiền 100 triệu đồng.

Kịch bản của vụ án này Huy đã sắp đặt kỹ càng bằng việc, sau khi sát hại vợ chồng anh Bình, y vẫn giữ điện thoại của nạn nhân để nhắn tin cho người thân của nạn nhân nhằm đánh lạc hướng để người nhà nạn nhân nghĩ rằng nạn nhân vẫn còn sống, đồng thời tung tin vợ chồng anh Bình do vỡ nợ nên trốn khỏi địa phương cũng như ngăn cản người nhà nạn nhân trình báo sự mất tích của người thân đến cơ quan chức năng.

Một phần xương cốt nạn nhân được đưa lên khỏi giếng.

Sau khi Kiều Quốc Huy thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, rạng sáng 27-9, CA tỉnh Lâm Đồng đã dẫn giải Huy đến hiện trường để xác định địa điểm và tiến hành khai quật giếng nơi Huy chôn giấu xác anh Bình, chị Hạnh. Đến 7 giờ 30 cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 bộ xương người và 1 bộ xương động vật. Lần lượt 2 bộ xương được đưa lên khỏi giếng trong sự căm phẫn của người dân và sự xót xa của người nhà nạn nhân. Sau 24 ngày mở rộng điều tra, trong đó có 5 ngày đấu trí căng thẳng, Ban chuyên án đã làm rõ thêm một phần của vụ án.

Vụ án mạng kinh hoàng này đang được CA tỉnh Lâm Đồng tiếp tục củng cố thêm chứng cứ, dựng lại các vụ án đã xảy ra trên địa bàn có thủ đoạn tương tự nhưng chưa được làm rõ để mở rộng điều tra.

* Tiêu đề đã được chúng tôi đặt lại

Theo Mai Khôi/Công an Đà Nẵng

.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước Đại hội XII

Đây là một trong những nội dung được nêu trong thông báo về phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN). TTO xin giới thiệu toàn văn thông báo.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình bày báo cáo tại Phiên họp
Ông Phan Đình Trạc, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính trung ương, ủy viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trình bày báo cáo tại phiên họp

Ngày 28-9 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN (Ban chỉ đạo) đã họp phiên thứ 8. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban chỉ đạo - chủ trì phiên họp. Tại phiên họp này, Ban chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất đánh giá và kết luận các nội dung sau:

1. Về kết quả công tác PCTN

Từ sau phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo (tháng 4-2015) đến nay, công tác PCTN tiếp tục được triển khai tích cực, có tác dụng thiết thực trên các mặt: lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; tuyên truyền, giáo dục về PCTN; xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội giúp phòng ngừa tham nhũng; Ban chỉ đạo đã triển khai 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 4 bộ, 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chỉ đạo tổng rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn công tác của Ban chỉ đạo; đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng (từ tháng 4 đến tháng 8 - 2015 trên phạm vi toàn quốc, Cơ quan điều tra đã khởi tố 82 vụ/ 189 bị can; Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 116 vụ/ 286 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 110 vụ/ 232 bị cáo).

Ban chỉ đạo đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay” và đề án “Sơ kết 3 năm hoạt động của Ban chỉ đạo”.

Hoạt động của Ban Nội chính trung ương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được tập trung chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới.

2. Việc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng bí thư - trưởng Ban chỉ đạo - sau phiên họp thứ 7 đến nay:

Các nội dung được nêu trong kết luận tại phiên họp thứ 7 đã và đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, cơ bản đúng tiến độ.

3. Về kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN năm 2015 tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thực hiện kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban chỉ đạo đã thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 4 bộ, 10 tỉnh ủy, thành ủy và 108 cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc. Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo là trưởng các đoàn công tác đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, hoàn thành đúng kế hoạch.

Qua kiểm tra, các đoàn công tác đã kiến nghị ban cán sự đảng các bộ, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy được kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác PCTN; kiến nghị và được Ban chỉ đạo thống nhất đưa 7 vụ án nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; 91 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Qua thực tiễn cho thấy việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN có tác dụng thiết thực, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong PCTN; giúp phát hiện những hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục kịp thời. Đây là hoạt động cần được tiến hành thường xuyên.

4. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý từ sau phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo đến nay

4.1. Ban Nội chính trung ương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã phối hợp cùng các cơ quan tiến hành tố tụng và các bộ, ngành chức năng tích cực, cố gắng trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ /42 bị cáo; đã xét xử phúc thẩm 1 vụ/7 bị cáo; chuẩn bị xét xử sơ thẩm 8 vụ/63 bị cáo; chuẩn bị xét xử phúc thẩm 7 vụ/55 bị cáo.

Tích cực điều tra để kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

4.2. Về đề xuất đưa vào, đưa ra và kiến nghị chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án: Thống nhất đưa vào 4 vụ án; đưa ra 1 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đưa vào 7 vụ án thuộc diện Ban Nội chính T. Ư theo dõi, đôn đốc; đưa vào 91 vụ việc, vụ án thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý.

5. Đối với 8 vụ án dự kiến đưa ra xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng; kiến nghị về cơ chế phối hợp trong truy tố, xét xử giữa trung ương và địa phương; cơ chế cung cấp thông tin vi phạm pháp luật của cán bộ chủ chốt bộ, ngành, địa phương

5.1. Ban chỉ đạo đã thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: (1) vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; (2) vụ Phạm Văn Cử và đồng phạm; (3) vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm; (4) vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm; (5) vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; (6) vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; (7) vụ Lê Hùng Sơn và đồng phạm; (8) vụ Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm.

Giao Đảng ủy Công an trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để đưa các vụ án trên ra xét xử theo dự kiến.

5.2. Ban chỉ đạo thống nhất đề xuất của Ban Nội chính trung ương về cơ chế phối hợp giữa cơ quan truy tố, xét xử trung ương và địa phương. Thực hiện tốt cơ chế này sẽ khắc phục những bất cập lâu nay trong phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương trong xử lý các vụ án; hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại, làm kéo dài thời gian xử lý các vụ án. Giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Công an trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao tham mưu Thường trực Ban chỉ đạo chỉ đạo thực hiện.

5.3. Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương về việc giao trách nhiệm các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nếu phát hiện cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo. Giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Thường trực Ban chỉ đạo chỉ đạo việc thực hiện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Phiên họp
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, phát biểu tại phiên họp

6. Về đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”.

Thời gian qua việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng có nhiều cố gắng, song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn cũng như mong muốn, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, việc xây dựng đề án và dự thảo chỉ thị của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay” là cần thiết.

Giao Ban Nội chính trung ương chủ trì tiếp thu ý kiến của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát kỹ phạm vi, thẩm quyền, nội dung dự thảo chỉ thị, hoàn thiện đề án báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị.

7. Một số kết quả nổi bật trong công tác PCTN từ khi thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị đến nay:

Trong 3 năm qua, hoạt động PCTN được triển khai tương đối toàn diện, chú trọng cả phòng và chống, có trọng tâm, trọng điểm.

Ban chỉ đạo đã chọn những việc, những khâu khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN để tập trung chỉ đạo tháo gỡ; những lĩnh vực trọng tâm để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc; góp phần tạo chuyển biến tương đối rõ rệt trong công tác PCTN, cụ thể:

Một là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN. Ban chỉ đạo đã thành lập 25 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng và việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tại 15 bộ, ngành, 29 địa phương.

Hai là, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo: Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; việc cho hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; từng bước khắc phục những vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nghiên cứu để kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục khắc phục tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt”; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong PCTN; rà soát hoạt động tín dụng và một số lĩnh vực có nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng để chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời.

Ba là, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và PCTN nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN trước mắt cũng như lâu dài. Nhiều văn bản quan trọng về PCTN và quản lý kinh tế - xã hội đã được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, giúp nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Bốn là, Ban chỉ đạo chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về PCTN góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác PCTN.

Năm là, Ban chỉ đạo quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Ban chỉ đạo đối với công tác PCTN: tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác PCTN; quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; chỉ đạo phân công đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp phụ trách công tác PCTN…

Bảy là, Ban chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu, hợp tác, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về PCTN.

8. Về kết quả thực hiện kiến nghị của các đoàn công tác của Ban chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN trong hai năm 2013, 2014

Trong hai năm 2013, 2014 Ban chỉ đạo đã tổ chức 18 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 11 bộ, ngành và 19 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương.

Qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc, các đoàn công tác đã có 141 kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; kiến nghị đưa 126 vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, khó khăn, vướng mắc vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Để việc thực hiện các kiến nghị của các đoàn công tác được nghiêm túc, Ban chỉ đạo đã giao Ban Nội chính trung ương tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của các đoàn công tác nêu trên.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính trung ương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã trực tiếp tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị tại 7 bộ, ngành và 7 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương.

Kết quả tự kiểm tra của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và kết quả kiểm tra, đôn đốc của Ban Nội chính trung ương cho thấy hầu hết các kiến nghị đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

9. Về một số khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế

Thời gian qua, công tác giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế có nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Giao Ban Nội chính trung ương chủ động phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp trung ương) tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế, báo cáo Ban chỉ đạo.

10. Về nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTN quý IV năm 2015

Quý IV năm 2015 là thời gian diễn ra đại hội của các đảng bộ trực thuộc trung ương và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cũng là thời điểm các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2011 - 2015. Do vậy, công tác PCTN cần tập trung vào phục vụ nhiệm vụ chính trị nêu trên của đất nước.

Ban chỉ đạo thống nhất 5 nhóm nhiệm vụ nêu trong dự thảo báo cáo trình bày tại phiên họp, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN để xã hội và người dân hiểu rõ những cố gắng, những kết quả đạt được trong công tác PCTN của nhiệm kỳ vừa qua; những khó khăn, thách thức của công tác PCTN trong thời gian tới; thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ PCTN.

Hai là, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng; các quy định của pháp luật về PCTN, các cơ quan chức năng cần tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN thời gian qua, từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính T. Ư theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, chưa xử lý dứt điểm; việc đưa ra xét xử 8 vụ án trọng điểm trước Đại hội XII của Đảng; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Bốn là, tập trung hoàn thành chương trình, kế hoạch, các đề án trọng tâm năm 2015 của Ban chỉ đạo; chỉ đạo tổ chức sơ kết 3 năm hoạt động của Ban chỉ đạo; tổng kết công tác PCTN năm 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN năm 2016 và cả nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Theo noichinh.vn

.

Tin thế giới 18h30: Mỹ - Nga đấu khẩu ở LHQ, TQ bác tin điều Liêu Ninh tới Syria

Trung Quốc bác tin điều tàu sân bay Liêu Ninh tới Syria; Động cơ đánh bom gần ngôi đền Erawan ở thủ đô Bangkok là để trả thù một chiến dịch triệt phá nạn buôn người của chính phủ; Đức đang xem xét dành ra 5 tỷ euro để chăm sóc người tị nạn; . Cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc:

*Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trên cương vị chủ tịch Cuba, hôm 28/9, ông Raul Castro nhấn mạnh Cuba và Mỹ có thể bình thường hóa mối quan hệ song phương chỉ khi Washington gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận thương mại và trao lại quyền kiểm soát căn cứ hải quân Guantanamo cho Havana.

Ông Castro khẳng định nếu như quan hệ giữa Washington – Havana tiếp tục được cải thiện, người dân Cuba cần nhận được sự "bồi thường" sau hàng thập niên bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir V. Putin phát biểu trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9.

*Trong bài phát biểu đầu tiên suốt 10 năm qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.

Những tuần gần đây, giới chức phương Tây cũng đã lên tiếng cáo buộc Nga tăng cường quân sự tới Syria như điều động binh lính, xe tăng và máy bay chiến đấu nhằm hỗ trợ quân chính phủ Syria tiêu diệt IS.

Theo ông Putin, để hỗ trợ cho phe nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Assad, Mỹ đã cho đào tạo lực lượng phiến quân nhưng chính những người này sau đó lại chiến đấu trong hàng ngũ của IS.

*Ông Obama đã gọi Tổng thống Assad là “bạo chúa” đồng thời cáo buộc Tổng thống Syria là thủ phạm đứng đằng sau cuộc nội chiến kéo dài 4 năm cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người và khiến hàng triệu người khác phải đi tị nạn.

Hôm 28/9, phát biểu trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Barack Obama cho hay Mỹ sẵn sàng hợp tác với Iran và Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria .

Trung Quốc:

*Khả năng Hải quân Trung Quốc sẽ thuê lại 2 chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral do Pháp sản xuất từ Ai Cập sau khi Cairo đạt được thỏa thuận mua lại 2 chiếc tàu này của Paris hồi tháng Tám.

Hồi năm ngoái, Paris đã từ chối chuyển giao 2 tàu Mistral mang tên “Vladivostok” và “Sevastopol” cho Moscow sau khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine. Kể từ đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngỏ ý muốn mua lại hai tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp. Nhưng Ai Cập đã giành phần thắng trong thương vụ mua lại tàu chiến Mistral của Pháp hôm 6/8.

Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral do Pháp sản xuất.

*Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9 cho hay nước này sẽ không theo đuổi bá quyền và "luật rừng" không được trở thành hình mẫu tương tác giữa các nước.

Tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước quan ngại trước sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh và những tranh chấp lãnh thổ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nước này bị Mỹ và các đồng minh chỉ trích vì ngang nhiên cải tạo và xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng có tranh chấp với Nhật Bản xung quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư.

*Chuyên gia quân sự Zhang Junshe, thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho hay thông tin tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đến Syria để hỗ trợ chính phủ nước này là không đúng sự thật.

Theo ông Zhang, một hạm đội của hải quân Trung Quốc đang có mặt ở Địa Trung Hải, trong đó có các tàu khu trục tên lửa và tàu tiếp tế, nhưng không liên quan gì đến tình hình ở Trung Đông. Hạm đội này bắt đầu chuyến thăm các nước vào cuối tháng Tám và sẽ thực hiện hành trình dài tổng cộng hơn 30.000 km, kéo dài hơn 5 tháng.

*Hôm nay (29/9), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết cựu Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Hề Hiểu Minh sẽ bị khởi tố tội tham nhũng sau khi bị cáo buộc nhiều tội danh trong đó có biển thủ công quỹ.

Hồi tháng 7/2015, ông Hề Hiểu Minh đã bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - một cụm từ thường dùng để ám chỉ tội tham nhũng ở Trung Quốc.

*Nhiều người dân sinh sống ở thị trấn Nam Bình thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã vô cùng hoảng sợ và buộc phải rời bỏ nhà cửa sau khi chứng kiến hàng loạt vụ giết người cướp của do binh lính Triều Tiên thực hiện.

Theo giới chức Trung Quốc, trong một năm qua, ít nhất 10 người dân Nam Bình đã bị sát hại mà phần lớn thủ phạm là binh lính Triều Tiên nhằm cướp bóc thức ăn và tài sản.

Nga – Ukraine:

*Hôm 28/9, Nga tuyên bố nước này sẽ đóng cửa không phận với các hãng hàng không của Ukraine từ ngày 25/10 tới. Đây là đòn đáp trả của Moscow trước việc Ukraine "cấm cửa" hai công ty hàng không Aeroflot và Transaero của Nga.

Aeroflot là một trong hai hãng hàng không Nga bị chính quyền Kiev cấm bay qua không phận Ukraine kể từ ngày 25/10 tới.

Hôm 16/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân của Nga bao gồm 400 cá nhân và 90 công ty.

Khủng hoảng di cư:

*Nếu cuộc khủng hoảng di cư không sớm được giải quyết, nó hoàn toàn có thể khiến lượng người dân ủng hộ Anh rút khỏi EU sẽ ngày càng nhiều. Và nếu như Anh rút khỏi EU, uy tín của tổ chức này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thời gian qua, tỷ lệ người Anh phản đối và ủng hộ Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) là khá cân bằng nhưng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng nhập cư, số người ủng hộ Anh rút khỏi EU đã gia tăng đáng kể, làm dấy lên lo ngại về việc Anh sẽ thực sự rút khỏi EU nếu tổ chức trưng cầu dân ý.

Khủng hoảng di cư đang làm "tan nát" EU.

*Đức đang xem xét dành ra 5 tỷ euro (5,6 tỷ USD) từ thu nhập ngoài dự kiến của nước này trong năm 2015 để trang trải chi phí chăm sóc người tị nạn năm 2016, đảm bảo duy trì cân bằng ngân sách.

Số tiền này sẽ được chi trong năm 2016 cho chính quyền và 16 bang trên toàn nước Đức để ứng phó với dòng người di cư, ước tính chỉ riêng trong năm nay có thể lên tới 800.000 người.

Đánh bom ở Thái Lan:

*Cảnh sát Thái Lan hôm 28/9 cho biết động cơ vụ đánh bom đền Erawan ở thủ đô Bangkok tháng trước là để trả thù một chiến dịch triệt phá nạn buôn người.

Cảnh sát trưởng Thái Lan Somyot Pumpanmuang (giữa) trong buổi họp báo hôm 28/9 tại trụ sở Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ở thủ đô Bangkok.

"Chúng tôi tin chắc động cơ chính trong tội ác này là trả thù nhà chức trách Thái Lan triệt phá mạng lưới buôn người", Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng Thái Lan Somyot Pumpanmuan phát biểu tại một cuộc họp báo.

Đền Erawan ở thủ đô Bangkok bị đánh bom tối 17/8 làm 20 người, trong đó phần lớn là du khách Trung Quốc, thiệt mạng. Hiện chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.

MINH THU (tổng hợp)

.

Bị bắt vì cưỡi... rùa biển

(iHay) Cảnh sát Florida (Mỹ) đã bắt một trong hai phụ nữ cưỡi trên lưng rùa biển nhờ truy lùng từ bức ảnh được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, theo UPI.

Thông tin được loan báo trên fanpage Facebook của sở cảnh sát thành phố Melbourne

Sở cảnh sát thành phố Melbourne (Florida) cho biết các cảnh sát đã kiểm tra một hộ dân mới đây và bắt giữ Stephanie Moore, 20 tuổi, là một trong hai phụ nữ có mặt trong trong bức ảnh chụp ngồi trên lưng rùa biển đùa nghịch. Hai nhân vật này trước đó đã bị Ủy ban Bảo tồn động vật hoang dã và cá Florida săn lùng ráo riết.

Theo fanpage Facebook của sở cảnh sát Melbourne, vào tháng 7 vừa rồi, Moore cùng một cô gái khác đã leo lên lưng rùa biển trên bãi biển Florida để chơi đùa.

Cư dân mạng đã phàn nàn câu chuyện đó với Ủy ban bảo tồn động vật hoang dã và cá Florida suốt thời gian qua. Do vậy, Ủy ban trên đã ráo riết điều tra để tìm ra tung tích hai phụ nữ này.

Moore sau khi bị bắt đã được đưa tới nhà tù hạt Brevard với khoản tiền bảo lãnh được đề nghị là 2.000 USD. Đạo luật bảo vệ rùa biển của bang Florida xếp hành vi hành hạ hoặc cố ý đánh bắt rùa biển vào khung trọng tội.

Phạm Như Quỳnh

.

Hà Nội nói gì về thông tin “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức?

Cho rằng thông tin Bí thư huyện Mỹ Đức lợi dụng chức vụ, bổ nhiệm họ hàng làm lãnh đạo là không thuyết phục, Thành ủy Hà nội, lí giải việc người thân cùng công tác trong các đơn vị của huyện khó tránh khỏi.

Ông Đào Đức Toàn thông tin với báo chí. Ảnh: Zing.

Công khai lương, thưởng “sếp” doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước , có hiệu lực từ 5/11/2015 nhằm đảm bảo công khai minh bạch, quản lý và giám sát được các hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo chế độ tiền lương , tiền thưởng của người quản lý, bao gồm mức lương cơ bản bình quân, tiền thưởng, thu nhập bình quân.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải công bố các thông tin về khác như: Chiến lược phát triển của doanh nghiệp; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm (05) năm và hàng năm. (Xem tiếp)

Bao nhiêu doanh nghiệp đã “ra đi” trong 9 tháng?

Cơ quan thống kê nhận định, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 9 tháng năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 9 tháng là 6962 doanh nghiệp, có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái và chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ. (Xem tiếp)

Thành ủy Hà Nội : Họ hàng cùng làm cán bộ là ngẫu nhiên

Ngày 29/9, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, sau thời gian xác minh thông tin Bí thư huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang lợi dụng chức vụ, bổ nhiệm họ hàng làm lãnh đạo, Thành ủy nhận thấy thông tin trên không thuyết phục, tuy vậy việc con lãnh đạo được điều động về huyện là có cơ sở.

Theo ông Toàn, Đại hội lần thứ 23 Đảng bộ huyện Mỹ Đức ngày 26/7 chưa đạt kết quả do có biểu hiện cục bộ giữa các vùng miền, bộ phận, dẫn đến một số chức danh theo đề án nhân sự không trúng cấp ủy, như Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc huyện.

Kết quả đại hội đã gây dư luận không tốt ngay trong nội bộ huyện. Thành ủy nhận được rất nhiều đơn thư, chủ yếu nặc danh, nêu 14 trường hợp cán bộ huyện được cho là họ hàng của Bí thư Lê Văn Sang. Thành ủy đã lập tổ công tác làm việc với huyện, kiểm tra toàn bộ hồ sơ lưu trữ. "Qua đó nhận thấy quy trình bổ nhiệm chặt chẽ, đúng quy định, cán bộ được bổ nhiệm phần lớn đảm bảo tiêu chuẩn, có bằng đại học, nằm trong quy hoạch, sau khi được bổ nhiệm đã và đang phát huy tốt", ông Toàn thông tin. (Xem tiếp)

“Cần ưu đãi để doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đuổi kịp Trung Quốc, Philippines.”

Tại cuộc họp Ủy ban quốc gia về Ứng dụng công nghệ thông tin ngày 28/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “nếu theo tư duy bình thường thì không bước qua khỏi những rào cản hiện nay” khi xây dựng chính sách thuế ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Phó thủ tướng cũng khẳng định, nếu làm tốt chính sách thuế thì những người làm công nghệ thông tin ở Việt Nam sẽ không phải mở công ty ở nước ngoài, đóng thuế ở nước ngoài. (Xem tiếp)

GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 5 năm

Báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/9 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đạt 6,81% trong quý III. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

(Xem tiếp)

MẠNH NGUYỄN

.

Phú Thọ bầu Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất bầu Bí thư, các phó Bí thư; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng Nai bầu 52 đồng chí vào BCH khóa mới
Phú Thọ phấn đấu thành tỉnh hàng đầu khu vực.
49 đồng chí được bầu làm Bí thư, Phó Bí.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII. Ảnh Báo Phú Thọ

Chiều 29/9, dưới sư điều hành của đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ, Đại hội Đảng bộ Tỉnh Phú Thọ đã biểu quyết thông qua phương án cơ cấu nhân sự trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và tiến hành thảo luận tổ các nội dung liên quan đến ứng cử, đề cử nhân sự tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.

Đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử gồm 61 đồng chí; thông qua Ban kiểm phiếu gồm 11 đồng chí.

Theo Báo Phú Thọ, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội tiến hành bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Kết quả, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã bầu đủ Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 55 đồng chí.

Ngày mai 30/9 Đại hội tiếp tục làm việc với các nội dung quan trọng khác và Bế mạc Đại hội.

Đức Bình

Từ khóa: Đại hội , Phú Thọ , Bí thư , Phó Bí thư

.

Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam muốn được miễn thị thực phải đảm bảo các điều kiện: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 1 năm; có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam; không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 21 và Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Để được giải quyết miễn thị thực, người đề nghị cấp giấy miễn thị thực đang cư trú ở nước ngoài phải nộp hồ sơ theo quy định tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

Còn người đang tạm trú tại Việt Nam có nhu cầu cấp giấy miễn thị thực nộp hồ sơ theo quy tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Giấy miễn thị thực có thời hạn tối đa 5 năm

Giấy miễn thị thực có thời hạn tối đa không quá 5 năm và ngắn hơn thời hạn sử dụng của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người được cấp ít nhất 6 tháng.

Giấy miễn thị thực được cấp cho người nhập cảnh Việt Nam thăm thân, giải quyết việc riêng.

Giấy miễn thị thực được cấp vào hộ chiếu. Các trường hợp sau đây được cấp rời: Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực;Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; theo đề nghị của người được cấp giấy miễn thị thực; vì lý do ngoại giao, quốc phòng, an ninh.

Giấy miễn thị thực được cấp riêng cho từng người. Trẻ em có chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ được cấp giấy miễn thị thực chung với cha hoặc mẹ.

Phương Nhi

.